Lịch sử hình thành và phát triển
BỘ MÔN KINH TẾ XÂY DỰNG
NỬA THẾ KỶ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Đã nửa thế kỷ qua kể từ những ngày trăn trở, mong muốn ban đầu rồi gieo mầm mở ngành kinh tế xây dựng cho đến ngày nay đơm hoa kết trái. Nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ kinh tế xây dựng đã được đào tạo bài bản và ra trường phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nửa thế kỷ ấy là nửa thế kỷ của sự nỗ lực vượt lên khó khăn, là nửa thế kỷ của sự khát khao cống hiến của các thế hệ thầy và trò ngành kinh tế xây dựng, là nửa thế kỷ tự khẳng định trên bản đồ đào tạo đại học của nước nhà một ngành đào tạo mới “KINH TẾ XÂY DỰNG” mang nhãn hiệu Đại học Giao thông vận tải.
Với lòng khiêm tốn của mình, các thế hệ Thầy và Trò ngành Kinh tế Xây dựng có quyền tự hào về những gì đã làm được trên chặng đường 50 năm qua và biết ơn những người đã nhìn xa trông rộng, nhạy bén nắm bắt nhu cầu xã hội, vạch đường chỉ lối, đặt những nét bút đầu tiên viết nên chương trình đào tạo ngành Kinh tế Xây dựng.
Xây dựng và phát triển đội ngũ
Nhớ lại, từ năm học 1964-1965 thầy Bùi Chởi – Trưởng Bộ môn Đường – Khoa Công trình được giao nhiệm vụ lập kế hoạch học tập để mở ngành Kinh tế xây dựng. Tháng 3/1965, Nhà trường đã duyệt và ngay sau đó Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định chiêu sinh mở lớp Kinh tế xây dựng khóa đầu tiên (tương đương khóa 6 của trường).
Ngay khi vừa được chiêu sinh thì năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh miền Bắc, Thực hiện khẩu hiệu “tay bút – tay súng”, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” cùng với thầy, trò Trường Đại học GTVT, thầy, trò ngành Kinh tế Xây dựng đã sơ tán lên Mai Sưu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang tiếp tục giảng dạy, học tập.
Cùng chia sẻ và cùng trải qua những khó khăn chung của Nhà trường như: dựng nhà ở, lớp học, ghép cây làm bàn ghế, đào hào để tiếp tục giảng dạy và học tập, thầy và trò ngành Kinh tế Xây dựng còn có những khó khăn riêng của mình:
Ở trong tình thế có trò mà chưa có thầy, công việc lựa chọn giảng viên trở nên rất gấp gáp. Nhân có lớp Vận tải Đường sắt Khóa 3 tốt nghiệp ra trường 9/1966, Nhà trường đã quyết định giữ lại 3 kỹ sư Vận tải đường sắt để bồi dưỡng làm giảng viên chuyên ngành Kinh tế xây dựng giao thông. Đó là các thầy Dương Đình Sơn, Nghiêm Văn Dĩnh, Đặng Nghiêm Chính.
Cái khó tiếp theo là không có tài liệu giảng dạy chuyên ngành. Các thầy đã phải vừa tự bồi dưỡng, vừa phải chủ động đi hàng trăm cây số từ nơi sơ tán của trường đến Trường Đại học Xây dựng, đến các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải ở nơi sơ tán để thu thập tài liệu và học hỏi thực tế để về xây dựng bài giảng.
Về mặt tổ chức, lúc đầu các giảng viên kinh tế xây dựng chỉ là một nhóm chuyên môn trong Bộ môn Đường ( Đường Bộ và Đường Sắt) khoa Công trình, do Thầy Dương Đình Sơn làm nhóm trưởng. Khi tổ bộ môn Đường tách ra thành 2 tổ Đường Bộ và Đường Sắt thì nhóm Kinh tế xây dựng được ghép vào nhóm giảng viên Đường sắt, hình thành tổ bộ môn "Đường sắt - Kinh tế xây dựng" thuộc khoa Công trình. Chính từ cái tổ ấm ban đầu này mà bộ môn Kinh tế xây dựng trưởng thành, vươn lên đảm đương toàn bộ các môn học chuyên môn trong chương trình đào tạo của ngành.
Cùng với thời gian, đội ngũ các nhà giáo của ngành cũng lớn mạnh lên, lần lượt đón nhận các thầy giáo Huỳnh Văn Chánh, Nguyễn Đình Tụng, Trịnh Đình Yên (Đại học Kinh tế), các thầy Vũ Ngọc Hồi, Trần Văn Bình (khóa 6 ở lại), Thầy Trần Thanh Lâm (khóa 7 ở lại). Trong khó khăn, thiếu thốn các thầy lớp đầu này đã động viên nhau, đồng tâm xây dựng ngành và hết lòng về sinh viên thân yêu.
Trong 3 khóa đầu tiên (K6, K7, K8) nhà trường chỉ đào tạo hệ chuyên tu với thời gian 3 năm 6 tháng cho các sinh viên là những người đã có bằng trung cấp hoặc công tác lâu năm trong ngành.
Bắt đầu từ năm 1968 lớp Kinh tế xây dựng chính quy dài hạn đầu tiên (K9) lớp KTXD 9A - được chiêu sinh.
Đến lúc này ngành Kinh tế xây dựng đã thực hiện đào tạo cho cả 3 hệ: Chính quy, chuyên tu và tại chức (sau này là vừa làm – vừa học).
Năm 1971, Nhà trường ra quyết định thành lập Bộ môn Kinh tế Xây dựng, cử KS Nghiêm Văn Dĩnh làm Trưởng Bộ môn.
Từ năm học 1974-1975, Nhà trường chuyển Bộ môn Kinh tế Xây dựng từ khoa Công trình sang sinh hoạt tại Khoa Vận tải - Kinh tế.
Trong những năm tiếp theo, để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo, đội ngũ các nhà giáo của Bộ môn đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều thầy cô là sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi được giữ lại làm giảng viên như các thầy: Đỗ Văn Quế (1974), Nghiêm Xuân Phượng (1974), Bùi Minh Huấn (1975), Vũ Ngọc Bảng (1975), Vũ Văn Dần (1977), Nguyễn Tài Cảnh (1979), Nguyễn Đăng Chính (1980), Lê Minh Cần (1983), Lê Thanh Lan (1988), Nguyễn Chí Thành (1990), Nguyễn Quỳnh Sang (1993).
Lực lượng của Bộ môn có thêm sinh lực mới khi đón các thầy, các cô tốt nghiệp từ các trường đại học khác về Bộ môn như: Phạm Quang Minh (1976), Nguyễn Thị Thìn (1976), Nguyễn Xuân Hồi (1982), Đặng Thị Xuân Mai (1984), Phạm Văn Vạng (1985), Bùi Ngọc Toàn (1999),...vv...
Chính đội ngũ có được từ đầu đến lúc này là nòng cốt xây dựng và phát triển Bộ môn kinh tế xây dựng trong những năm đã qua và những năm tiếp theo.
Từ năm 2002 nhà trường lập Bộ môn Dự án và QLDA, các thầy Nghiêm Xuân Phượng, Bùi Ngọc Toàn, Nguyễn Hữu Vương được điều sang Bộ môn mới.
Hiện nay Bộ môn đang có 15 giảng viên trẻ về trường từ những năm 1997 đến 2014. Lớp giảng viên trẻ này đều là những sinh viên khá giỏi được giữ lại công tác ở Bộ môn tại Hà Nội và ở cơ sở 2 của trường. Trong tay các giảng viên trẻ này là tương lai của Bộ môn.
Cùng với sự phát triển của Nhà trường, đội ngũ giảng viên của Bộ môn đã trưởng thành về nhiều mặt: Hiện nay Bộ môn có 01 Nhà giáo nhân dân, 01 GSTSKH; 02 PGSTS; 02 Tiến sỹ; 03 NCS; 08 Thạc sỹ; 03 giảng viên đang học cao học. Bộ môn đã từng bước xây dựng và khẳng định uy tín của mình trong trường cũng như trong ngành GTVT. Đặc biệt phải kể đến PGS.TS. Đặng Nghiêm Chính, thầy đã được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Nhiều giảng viên của Bộ môn cũng được tín nhiệm vào các công tác của trường như: Thầy Dĩnh: Bí thư Đảng ủy Trường, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường; Cô Thìn: Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế; Thầy Cần: Chủ tịch Công đoàn Khoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh trường; Thầy Sang: Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ của trường.
Xây dựng và hoàn thiện chương trình, kế hoạch đào tạo; phát triển ngành nghề đào tạo
Từ năm 1971, kế hoạch học tập toàn khóa cho hệ chính quy Tại chức và hệ Chuyên tu được hoàn chỉnh, chính thức được phê duyệt và đưa vào áp dụng.
Những năm tiếp theo, thực hiện cải cách giáo dục đại học, chương trình, kế hoạch học tập toàn khóa trên đây lại tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu xã hội, cập nhật những kiến thức mới của ngành: Từ 1987 – 1994: Đào tạo theo 2 giai đoạn; từ 1996 rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm xuống còn 4 năm; từ 2005 lại đây thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo, chuyển từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ.
Từ 2007, nắm bắt kịp thời nhu cầu của xã hội, Bộ môn đã trình và được nhà trường quyết định mở thêm chuyên ngành mới: Kinh tế quản lý khai thác công trình Cầu đường.
Đặc trưng của Chương trình đào tạo kỹ sư Kinh tế xây dựng giao thông và Kinh tế quản lý khai thác Công trình Cầu Đường là cùng với các khối kiến thức về Giáo dục đại cương, Cơ sở kinh tế và Kinh tế chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị một khối lượng đáng kể các kiến thức về cơ sở kỹ thuật và kỹ thuật xây dựng cầu đường. Chính những kiến thức này đã làm nên sự khác biệt của kỹ sư kinh tế xây dựng giao thông, giúp cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể lấy nhiệm vụ sản xuất thực tế làm đề tài tốt nghiệp và khi ra trường thích nghi nhanh chóng với sản xuất và có khả năng hoạt động rộng trong lĩnh vực Kinh tế - Kỹ thuật của ngành.
Sau những cải cách và đổi mới, cấu trúc và nội dung các môn học của chương trình có nhiều thay đổi nhưng tính ưu việt của mô hình đào tạo kinh tế - kỹ thuật vẫn được duy trì cả với chương trình đào tạo Kỹ sư Kinh tế xây dựng giao thông và với Chương trình đào tạo Kỹ sư kinh tế quản lý khai thác cầu đường.
Từ năm 1990, Trường Đại học Giao thông Vận tải chính thức phát triển đào tạo Cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên ngành Kinh tế Xây dựng Giao thông vẫn là một chuyên ngành dành được sự tín nhiệm cao và liên tục của xã hội cho đến ngày nay không chỉ ở khu vực phía Bắc mà cả ở khu vực phía Nam.
Một dấu mốc quan trong trọng quá trình phát triển của Bộ môn là từ năm 1995, Bộ môn được Bộ và Nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ Kinh tế xây dựng.
Đến nay tất cả các môn học trong chương trình đào tạo đều đã có giáo trình, bài giảng, giúp sinh viên và học viên cao học học tập thuận lợi và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Như vậy là liên tục 50 năm đào tạo (từ năm 1964 đến nay), từ lúc chỉ đào tạo bậc đại học với 3 hệ: chính quy (5 năm), chuyên tu (3,5 năm) và tại chức (6 năm) phục vụ kịp thời nhu cầu của ngành GTVT, cho đến nay quy mô đào tạo đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng với đầy đủ các hệ đào tạo: chính quy, liên thông, bằng 2, vừa làm - vừa học và sau đại học.
Nhiều thế hệ kỹ sư Kinh tế xây dưng, Kỹ sư Kinh tế Quản lý khai thác Cầu Đường, thạc sỹ và tiến sỹ ngành kinh tế xây dựng đã được đào tạo. Các thế hệ Kỹ sư Thạc sỹ, Tiến sỹ ra trường đã có những đóng góp to lớn trong sản xuất, nghiên cứu, đào tạo… nhiều người đã và đang giữ trọng trách trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong quản lý Nhà nước, quản lý ngành ở Trung ương và địa phương. Sự thành đạt trong công tác lại tạo điều kiện để anh chị em nhớ đến mái trường đại học GTVT, nhớ đến bộ môn Kinh tế xây dựng.
Gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học – lao động sản xuất. Gắn kết thầy và trò
Trong những năm qua bộ môn luôn bám sát nhu cầu của xã hội, chủ động phát hiện và đề xuất đề tài nghiên cứu, đã tham gia và chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Thành phố và cấp Cơ sở. Kết quả nghiên cứu đã được đánh giá tốt, có giá trị khoa học và thực tiễn. Nhiều giảng viên đã tham gia các hội thảo Khoa học quốc gia và quốc tế, viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Một nét đặc trưng trong quá trình xây dựng và phát triển đã làm nên truyền thống của thầy trò ngành Kinh tế xây dựng đó là cùng với hoạt động đào tạo tại trường, thầy trò luôn thực hiện phương châm: “Học đi đôi với hành”; “Nghiên cứu khoa học gắn với lao động sản xuất”, phục vụ trực tiếp cho các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Điều này thể thiện không chỉ trong bài giảng, trong thực tập mà cả trong làm đồ án tốt nghiệp; không chỉ trong hoạt động tại trường mà cả trong phục vụ trực tiếp cho sản xuất và chiến đấu.
Ngay từ khóa đầu tiên cho đến ngày nay, đề tài tốt nghiệp của sinh viên luôn được lấy từ thực tế, không làm đề tài giả định.
Một trường hợp điển hình được nói đến là lớp chuyên tu Kinh tế xây dựng – Khóa 18 (1980-1982), lớp đã được Bộ môn chọn nhiệm vụ lập dự toán và lập phương án tổ chức thi công công trình sửa chữa tàu biển phà Rừng (Quảng Ninh) làm đề tài thiết kế tốt nghiệp. Dự toán và phương án thi công được chấp nhận. Đồ án tốt nghiệp đã được hoàn thành có chất lượng. Các kỹ sư Kinh tế xây dựng lớp này đã có vị trí xứng đáng trong đội ngũ cán bộ của ngành. Kỹ sư Phạm Quang Tuyến trưởng thành từ Giám đốc công ty Cầu 12 lên Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 và trở thành Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều sinh viên Kinh tế xây dựng đã tham gia đảm bảo giao thông, tham gia chiến dịch TS72, tham gia khảo sát khôi phục đường sắt thống nhất, tham gia xây dựng phòng tuyến N2. Có sinh viên đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ (Sinh viên Thiện lớp KTXD Khóa 6).
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước cùng với sinh viên các lớp đường bộ, một số sinh viên Kinh tế xây dựng đã được các thầy Phạm Văn Toản và Nghiêm Văn Dĩnh – Giảng viên môn “Điều tra kinh tế - quy hoạch Giao thông vận tải” đưa đi thực tế, lập quy hoạch đường trục cho thành phố Hải Phòng (1970-1971), lập quy hoạch Giao thông vận tải cho huyện Văn Giang – Hưng Yên (1972-1973).
Năm 1973, các thầy Đỗ Văn Quế và Nghiêm Xuân Phượng cùng với lớp Kinh tế xây dựng 9B đã tham gia làm cầu tạm vượt sông Bắc Hưng Hải - Nghĩa Trụ - Văn Giang – Hưng Yên.
Những năm sau này, thầy Đỗ Văn Quế đã cùng với giảng viện Bộ môn Đường bộ, bộ môn Vận tải ô tô đưa sinh viên đi làm quy hoạch giao thông vận tải huyện Nam Ninh (tỉnh Hà Nam Ninh), huyện Thanh Ba (Tỉnh Phú Thọ), huyện Long Thành (Tỉnh Đồng Nai), quy hoạch Giao thông vận tải tỉnh Nghệ Tĩnh.
Năm 1984, Thầy Quế, thầy Cần, thầy Phượng cùng các giảng viên của Bộ môn đã đưa lớp KTXD 21 đi làm quy hoạch giao thông vận tải cho tỉnh Cửu Long và huyện Vũng Liêm thuộc Tỉnh.
Những hoạt động như vậy đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư kinh tế xây dựng và làm phong phú thêm kiến thức cho thầy, tình thầy trò được gắn bó. Dần dần hình thành một nét đẹp có tính truyền thống của ngành kinh tế xây dựng đó là sự gắn bó chặt chẽ giữa các thế hệ thầy và trò trong sản xuất, trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã gắn bó và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp thông qua các hình thức cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin, mở lớp bồi dưỡng quản lý như đã làm tại Binh Đoàn 12, tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, tại các Sở giao thông vận tải... Chính sự hợp tác đó lại mang lại cho bộ môn một thuận lợi rất cơ bản đó là sự giúp đỡ, tạo điều kiện, cộng tác của chính những cựu sinh viên kinh tế xây dựng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, từ cung cấp tài liệu, báo cáo ngoại khóa cũng như tạo thuận lợi cho các lớp kinh tế xây dựng các khóa sau nâng cao trình độ thông qua thực tập và làm đồ án tốt nghiệp.
Vui mừng trước những thành tích và truyền thống tốt đẹp của mình, thầy và trò ngành kinh tế xây dựng cùng nhau quyết tâm vươn lên đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp trồng người, cung cấp cho ngành, cho đất nước những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ kinh tế xây dựng có chất lượng tốt nhất.