Phát triển hạ tầng giao thông: Hướng tới dùng PPP thay BOT
Việc sử dụng hình thức đầu tư BOT (xây dựng-kinhdoanh-chuyển giao) trong thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho hạ tầng giao thông đất nước. Tuy nhiên, những bất cập về mức thu phí, sự bức xúc của người dân, chất lượng công trình, khả năng hoàn vốn... đang khiến các nhà đầu tư BOT e ngại, ngân hàng cũng “dè chừng” với việc cho vay làm BOT.
Đầu tư PPP sẽ là ưu tiên của ngành GTVT, nhất là trong làm đường cao tốc. Ảnh minh họa.
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về kế hoạch của Bộ GTVT trong thời gian tới để hoàn thành nốt 1.300 km đường cao tốc vào năm 2020 đã đề ra sau khoảng thời gian đủ dài để rút kinh nghiệm về BOT.
Phần lớn các ý kiến hiện nay đều cho rằng phí BOT đang đè nặng lên nhân dân và khi thực hiện chủ trương xây dựng kết cấu hạ tầng Bộ GTVT đã không tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Ngay từ khi xây dựng phương án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, Bộ GTVT đã nhận thức được rằng mức thu phí là vấn đề quan trọng nhất. Phải làm sao để các khoản thu phí nằm trong mức chịu đựng của nền kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải.
Trên cơ sở thời gian thu phí (từ 20-25 năm) để tính ra chiều dài đầu tư, ra được tổng mức đầu tư, từ đó mới ra được tuyến đường và suất đầu tư cố định.
Theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC, mỗi trạm thu phí phải bảo đảm khoảng cách 70 km. Hiện nay, hầu hết các trạm đều đã bảo đảm khoảng cách này. Một số trạm có khoảng cách ngắn hơn, vì nếu để 70 km sẽ rơi vào đô thị, nên khi đặt trạm đã được sự thông qua của Bộ Tài chính và chính quyền địa phương. Đồng thời, các trạm BOT cũng phải bảo đảm trong bán kính 50 km không có quá 3 trạm thu phí.
Trong quá trình xây dựng phương án tài chính, Bộ GTVT và Bộ Tài chính bao giờ cũng lấy mức bình quân thấp để làm giá khởi điểm.
Hiện hai Bộ thống nhất, đối với đường cao tốc, giá trần mà các nước trong khu vực lựa chọn là 2.000 đồng/km, thì hầu hết các tuyến cao tốc đều đang thu 1.500 đồng/km. Riêng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tuyến cao tốc hiện đại nhất Đông Nam Á do được đầu tư kinh phí lớn nên đang thu mức 2.000 đồng/km.
Các tuyến quốc lộ bình quân hiện nay đang thu 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn đi qua một trạm. Xe container bằng 4 lần xe tiêu chuẩn, xe từ 40 feet trở lên là bằng 6 lần, cứ thế nhân lên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn áp mức trần thu phí quốc lộ là 45.000 đồng/xe tiêu chuẩn.
Hiện, một số trạm đã đề xuất lên 45.000 đồng/xe tiêu chuẩn trong đó có trạm trên QL 5 để bảo đảm phương án tài chính cho Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và tạo nguồn cho việc duy trì chất lượng tuyến quốc lộ song hành.
Tương tự, Trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (Nghệ An) thu 45.000 đồng/xe vì hai trạm này không chỉ có nhiệm vụ hoàn vốn cho một mình dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh, mà còn thu phí để hoàn vốn cho cả một cụm dự án.
Đó là: Dự án tuyến tránh Vinh, dự án tăng cường mặt đường tuyến tránh Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh TP. Hà Tĩnh; dự án nút giao giữa QL 46 với đường sắt Bắc-Nam, dự án sửa chữa cầu Bến Thủy cũ, dự án nút giao khác mức giữa QL 1A và đoạn nối QL 8B cũ.
Như vậy, về cơ bản các trạm thu phí hiện đang thu đúng theo quy định của Bộ Tài chính.
Thứ trưởng lý giải như thế nào về quãng đường 100 km Hà Nội-Thái Bình có đến 4 trạm thu phí?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Quãng đường từ Hà Nội về Thái Bình hơn 100 km, nói là có 4 trạm thu phí (tại lộ trình Pháp Vân-Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, trạm thu phí Mỹ Lộc và trạm thu phí Tân Đệ), nhưng thực tế chỉ có 3 trạm, vì 2 trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ và Cầu Giẽ-Ninh Bình thuộc cao tốc, đi bao nhiêu km thì trả tiền bấy nhiêu.
Quãng đường từ Hà Nội đi Thái Bình người dân có thể chọn đi trên cao tốc nhanh hơn, đường đẹp hơn hoặc đi theo tuyến QL 1 cũ để không mất phí.
Mặc dù làm đúng theo quy định của Bộ Tài chính, nhưng gánh nặng phí cầu đường vẫn đang là sự bức xúc của người dân. Bộ GTVT có giải pháp nào để thu xếp ổn thỏa vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Việc thu phí trên cao tốc sẽ ít có thay đổi vì người dân đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu. Vấn đề là giải quyết tốc độ lưu thông qua các trạm thu phí, tránh ùn tắc và đưa tất cả trạm về thu phí tự động không dừng.
Đến ngày 30/6 tới đây sẽ có 50% cửa thu phí tự động không dừng và phấn đấu hết năm 2017 toàn bộ trạm đều có cửa tự động thu phí, việc này sẽ giảm ách tắc và minh bạch hơn trong quá trình thu phí.
Đối với các trạm trên tuyến quốc lộ, Bộ GTVT kiên quyết di dời các trạm không đủ khoảng cách và người dân sống lân cận các trạm thu phí sẽ được giảm tối đa mức thu để việc đi lại qua trạm không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân.
Mặt khác, Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà đầu tư trích một phần lợi nhuận bù trừ vào việc không thu phí của người dân vùng xung quanh như trạm thu phí ở cầu Hạc Trì (Việt Trì), trạm Lương Sơn (Hòa Bình), bởi số lượng xe của người dân quanh đây rất ít, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phương án tài chính của doanh nghiệp.
Đối với quản lý Nhà nước, Bộ có kiểm soát rất chặt về thu phí, chuẩn hóa thời gian thu phí. Cụ thể, nếu lưu lượng xe qua lại tăng lên thì thời gian thu phí phải giảm xuống thông qua kiểm soát camera với mục tiêu bỏ các trạm thu phí càng sớm càng tốt.
Sắp tới Bộ GTVT sẽ chọn phương án nào để tiếp tục hoàn thành nốt 1.300 km cao tốc như mục tiêu đã đề ra?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong hoàn cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng nhanh mà ngân sách của Chính phủ và các nguồn tài trợ có giới hạn, thì hợp tác công-tư (PPP) có khả năng như một đòn bẩy đối với các nguồn lực tài chính và chuyên môn từ khu vực tư nhân nhằm cải thiện chất lượng và mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ cơ sở hạ tầng.
Vì vậy, tôi khẳng định, từ nay về sau, đầu tư PPP sẽ là ưu tiên của ngành GTVT.
Đây là hình thức Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước.
Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ.
Hình thức này sẽ hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho người dân.
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ gói tổng thể đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP.
Trận trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo BĐT Chính Phủ